Giá Cá Miền Đông chững lại và tụt dốc trong một thời gian dài khiến người nuôi cá ở các tỉnh miền Đông rơi vào cảnh bất an, lo lắng.
Khoảng một tháng trở lại đây, giá cá tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu,… liên tục giảm. Nhiều loại cá giá "dậm chân tại chỗ", có loại mất 3-4 giá… Điều này đã khiến nhiều người nuôi cá luôn trong tâm trạng lo âu thấp thỏm.
Cụ thể tại Đồng Nai, giá cá trắm bán ra cho thương lái ở mức 52.000 đồng/kg, giá cá chép 48.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá cá lóc chỉ còn 35.000 đồng/kg, giá cá diêu hồng 33.500 đồng/kg. Riêng cá tra vừa mất thêm một giá so với hôm qua, chỉ còn 20.500 đồng/kg.
Người nuôi cá ở Đồng Nai mong muốn giá cá khởi sắc. |
Tại Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, người nuôi cá đang "ngán ngẩm" vì giá cá liên tục bốc hơi trong thời gian dài. Cá rô phi loại trên 500gr có giá 29.500 đồng/kg; cá rô loại khoảng 4 con/kg có giá 22.500 đồng/kg.
Riêng cá thát lát ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu hôm nay tăng nhẹ thêm 1 giá so với hôm qua. Hiện thương lái mua vào giá từ 45.000 đồng – 45.500 đồng/kg.
Trao đổi với phóng viên, chị Linh (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) cho biết, từ đầu năm 2021 giá các loại cá nuôi đều giảm mạnh so với những năm trước. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, các nguyên liệu như bắp, bã đậu… cũng theo đà tăng mạnh.
"Nhà tôi có 3 ao chuyên nuôi các loại cá như diêu hồng, rô phi, trắm, chép… với khoảng 17.000 con giống/vụ. Những năm trước cá bán ra đạt giá cao, trung bình khoảng 45.000 đồng – 49.000 đồng/kg tuỳ loại nên thu nhập của gia đình ổn định, khấm khá. Tuy nhiên, từ giữa năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát khiến giá cá giảm mạnh. Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao (tăng 50.000 đồng – 90.000 đồng/bao/tuỳ loại) so với hơn một năm trước", chị Linh buồn bã chia sẻ.
Được biết, đợt này gia đình chị Linh đang thu hoạch khoảng hơn 5 tấn cá. Dù giá cá thấp nhưng thương lái đang kén mua so với vụ trước nên nông dân lo lắng.
Đồng cảnh ngộ với chị Linh, gia đình anh Nguyễn Văn Nam (ngụ huyện Định Quán, Đồng Nai) cũng đang "ngồi trên đống lửa" khi giá cá liên tục giảm, phải ôm lỗ. Trong khi tiền nợ đại lý cám và nợ ngân hàng; của gia đình anh ngày càng chồng chất.
Anh Nam cho biết, gia đình anh cầm cố sổ đất để vay tiền ngân hàng mua cá giống về nuôi. Còn cám, anh được đại lý hỗ trợ "ăn trước trả tiền sau" nên giá cao hơn cám công ty. Do đó sau khi bán cá, anh Nam phải lo trả nợ ngân hàng trước, trả nợ đại lý thức ăn chăn nuôi. Tính ra tiền thu về túi chả còn được bao nhiêu.
"Giá cá thấp, thương lái cũng không mặn mà mua. Nhiều khi tôi gọi điện thoại 4-5 ngày họ mới đến khiến chúng tôi rất bức xúc và chán nản. Cá đến lứa xuất bán mà người nuôi vẫn phải giữ trong ao vì thương lái kén mua, càng cho ăn càng lỗ vốn. Giờ mùa mưa nếu cá đủ tuổi không xuất được thì rủi ro cá chết, tỷ lệ hao hụt cao nên tôi càng lo", anh Nam chia sẻ.
Nguồn: Dân Việt
No comments:
Post a Comment