Nhiều hộ nuôi thủy sản giống cho hay, thời tiết thay đổi thất thường khiến nguồn con giống đạt chất lượng giảm, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Trong khi đó, giá thủy sản thương phẩm, tiêu thụ khó khăn, một số hộ nuôi thủy sản giống không còn vốn để tái sản xuất.
Cá tra, lươn, ếch… giống cũng ảnh hưởng do dịch COVID-19
Theo Chi cục Chăn nuôi- Thú y và Thủy sản Vĩnh Long (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tình hình sản xuất cá tra bột 9 tháng qua đã giảm đáng kể so với cùng kỳ, do giá cá tra nguyên liệu giảm thấp kéo dài đã ảnh hưởng đến giá con giống cá tra cũng giảm theo. Các cơ sở sản xuất giống thua lỗ nặng nên nhu cầu bột cá tra thấp, do đó sản lượng sản xuất cá tra bột của tỉnh giảm đáng kể trong khi năng lực sản xuất là rất lớn. Cụ thể, so với cùng kỳ năm trước, diện tích ương cá tra giống đã giảm hơn 17%, chỉ còn 28 hộ ương với 40,87ha; sản lượng cá giống giảm 39,8%.
Nhiều hộ sản xuất các loại thủy sản giống khác như: lươn, cá lóc, ếch,… cũng gặp khó khăn, nhiều hộ thua lỗ, ngừng nuôi do không có vốn tái sản xuất. Thêm vào đó, ảnh hưởng của các cơn bão và chất lượng nguồn nước trên sông biến động khiến bệnh trên thủy sản xuất hiện nhiều làm ảnh hưởng hiệu quả sản xuất.
Người ương thủy sản giống lỗ nặng vì khó đầu ra. |
Tạm ngưng nuôi ếch giống hơn 2 tháng nay, anh Nguyễn Văn Tuyền (xã Bình Ninh - Tam Bình) cho biết: “Tôi nuôi ếch giống được 10 chuồng, diện tích 300- 400m2, sản lượng 40.000- 50.000 con. Tuy nhiên, ảnh hưởng dịch bệnh, nên không xuất bán được. Trong khi đó, giá thức ăn ếch, thuốc thủy sản lại liên tục tăng khiến tôi “cụt vốn” sản xuất, không còn vốn để tái đầu tư”.
Cũng tạm ngừng sản xuất cá lóc giống nhiều tháng nay, anh Lê Văn Cường (xã Tân Hội - TP Vĩnh Long) cho biết: “Năm trước ảnh hưởng của dịch bệnh, cơ sở đã thiệt hại nặng. Năm nay càng khó khăn, nên phải ngừng làm giống, chờ khi nào dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn mới có dự định sản xuất tiếp”.
Cũng bị giảm thị trường tiêu thụ 70- 80% so với trước khi xảy ra dịch COVID- 19, anh Nguyễn Văn Thành (xã Thới Hòa - Trà Ôn), chia sẻ: “Tôi nuôi lươn giống được gần 4 năm nay, những năm trước đầu ra rất ổn định, có khi không đủ nguồn cung nhưng vài tháng nay sức mua sụt giảm. Không chỉ khó trong khâu vận chuyển, mà còn khó khi mua thức ăn”.
Nếu như một số cơ sở sản xuất giống khác bị “ứ giống” khi khó đầu ra phải dừng sản xuất, để hạn chế tình trạng này anh Thành lại chuyển sang nuôi lươn thương phẩm để có thêm đầu ra, thu nhập. Anh Thành cho biết thêm: “Hiện tôi có 2.000m2 nuôi lươn bố mẹ sinh sản, sản lượng lươn giống khoảng 200.000 con/năm. Tôi cũng đang hoàn thiện thêm ao nuôi lươn thương phẩm với diện tích 2.000m2. Giá lươn thương phẩm hiện nay tuy có giảm hơn so với cùng kỳ, nhưng nếu chịu đầu tư thì cũng có lời. Dù biết là chi phí đầu tư khá nhiều, nhưng khi cố gắng “qua đốt khó” này sẽ khả quan, phát triển hơn, bởi nhu cầu tiêu thụ của thị trường cao”.
Chú trọng chất lượng
Cũng theo anh Thành, nuôi lươn giống trong giai đoạn này đòi hỏi phải có kỹ thuật, kinh nghiệm đúc kết nhiều thì tỷ lệ ương con giống mới đạt chất lượng cao. “Trong thời điểm này, mưa nhiều, hộ nuôi bằng nước sông phải chú ý vấn đề mầm bệnh, đảm bảo nguồn nước sạch, môi trường nuôi lươn bố mẹ phải được xử lý thường xuyên, có hệ thống hoàn chỉnh, nếu không rất dễ dính bệnh. Hiện tỷ lệ lươn giống của tôi đạt 90%. Do đó, được khách hàng tin tưởng, hứa hẹn sau khi dịch bệnh kiểm soát sẽ đặt hàng nhiều” - anh Thành chia sẻ.
Theo ngành chức năng, trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh như hiện nay, người dân theo nghề sản xuất giống thủy sản cần phải bình tĩnh, chọn thời điểm thích hợp thả nuôi, ương giống, phải đảm bảo chất lượng nguồn giống bố mẹ, chú trọng nâng cao kỹ thuật ương giống để tạo con giống chất lượng, đáp ứng yêu cầu của người nuôi. Người nuôi cũng cần chủ động theo dõi bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo, dự báo thiên tai, cảnh báo môi trường vùng nuôi,… để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Và quan trọng là cần phải liên kết sản xuất để tìm đầu ra ổn định.
Ông Lê Thanh Tùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết: Từ đầu năm đến nay, nhiều cơ sở sản xuất giống thua lỗ do khó đầu ra. Thời gian qua, chi cục đã khuyến cáo các cơ sở nuôi nên chọn con giống lớn, khỏe mạnh thả nuôi để hạn chế hao hụt. Đồng thời, thực hiện tốt khâu neo đậu lồng bè, kiểm tra thường xuyên các dây neo, tó…. để chủ động phòng, tránh thiệt hại do thời tiết diễn biến bất thường. Thời gian tới, chi cục sẽ tiếp tục nắm tình hình phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh; tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế theo nhu cầu thực tế của địa phương.
Tính đến tháng 9/2021, toàn tỉnh có 422 cơ sở sản xuất giống tập trung ở huyện Tam Bình với 150,42ha ương cá giống các loại (basa, điêu hồng, rô phi, các loại cá trắng khác); 15 cơ sở kinh doanh giống; 12 cơ sở sản xuất và kinh doanh giống; 2 trại sản xuất cá tra bột với công suất 550 triệu cá bột/năm (trại giống thuộc Trung tâm Giống Vĩnh Long và Trung tâm Giống thủy sản của Công ty CASEAMEX huyện Trà Ôn).
THẢO NGUYÊN (Báo Vĩnh Long)
No comments:
Post a Comment