Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp Hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), ngoài đoàn kết, chủ động nâng cấp hệ thống truy xuất, quản lý,..., đa dạng thị trường xuất khẩu cũng là một trong những biện pháp quan trọng hóa giải, hạn chế những vụ kiện phòng vệ thương mại với ngành thủy sản.
Phát biểu tại tọa đàm trực tuyến: "Xuất khẩu thủy sản bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế - Nhìn lại một số trường hợp tiêu biểu" diễn ra sáng 28/12/2021, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: những năm gần đây, Việt Nam luôn nằm trong “top” 3 nước xuất khẩu mặt hàng thủy sản hàng đầu thế giới.
Đáng chú ý, thủy sản là một trong những ngành đối diện với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra sớm nhất.
Đến nay, Hoa Kỳ là nước duy nhất điều tra phòng vệ thương mại đối với thủy sản của Việt Nam với 3 vụ việc gồm: điều tra chống bán phá giá cá tra, cá basa năm 2002; điều tra chống bán phá giá tôm nước ấm năm 2003 và điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với tôm của Công ty Minh Phú.
Việt Nam đã trải qua 18 kỳ rà soát thuế chống bán phá giá đối với cá tra, cá basa và 16 kỳ rà soát thuế chống bán phá giá đối với tôm nước ấm. Trong các lần rà soát, có những kỳ doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và tôm của Việt Nam được hưởng mức thuế suất từ 0-1% nhưng cũng có thời điểm các sản phẩm này của Việt Nam chịu mức thuế chống bán phá giá lên đến 15%, thậm chí đối với mặt hàng tôm lên đến 25,76%.
Lãnh đạo Cục Phòng vệ thuơng mại nêu rõ: nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau trong các lần rà soát hầu hết liên quan đến các yếu tố như mức độ hợp tác của doanh nghiệp với cơ quan điều tra Hoa Kỳ; cách thức cơ quan điều tra Hoa Kỳ tiến hành trong kỳ rà soát đó.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp Hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ: chống bán phá giá bản chất là doanh nghiệp của quốc gia nhập khẩu kiện doanh nghiệp bên xuất khẩu chứ không phải kiện Chính phủ. Tuy nhiên, họ lại thông qua pháp lý của nước nhập khẩu.
Với thị trường Hoa Kỳ, cộng đồng doanh nghiệp nuôi cá da trơn và nuôi tôm bên Hoa Kỳ sử dụng luật của Hoa Kỳ để kiện các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Hoa Kỳ không sử dụng thông số Việt Nam cung cấp mà sử dụng thông số bản điều tra tổng hợp từ các quốc gia Hoa Kỳ lựa chọn để làm tham chiếu. Cách tiếp cận này đem lại bất lợi cho Việt Nam khi cùng một lúc phải chứng minh rất nhiều thứ.
“Tại vụ kiện đầu tiên với ngành cá tra vào năm 2002, giai đoạn đầu doanh nghiệp rất bỡ ngỡ, có những ý hiểu chưa đúng về chống bán phá giá. Ngành thủy sản rất khó khăn. Tuy nhiên, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan có thẩm thẩm quyền, chuyên môn của Việt Nam đã giúp đem về kết quả bước đầu tích cực, có doanh nghiệp lớn theo đuổi các vụ kiện am hiểu trí tuệ, tránh bị thua thiệt”, ông Nam nói.
Ông Nam chia sẻ thêm: tính đến thời điểm hiện tại, thông qua 3 vụ việc, các doanh nghiệp bị đơn đều đã có kết quả khá tốt. Đó là cơ hội khẳng định với doanh nghiệp Hoa Kỳ Việt Nam hoàn toàn là nền kinh tế thị trường, cạnh tranh sòng phẳng bằng chất lượng.
Thủy sản là một trong những ngành đối diện với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra sớm nhất. |
Cho rằng ngoài đoàn kết, chủ động nâng cấp hệ thống truy xuất, quản lý, kế toán..., đa dạng thị trường xuất khẩu cũng là một trong những biện pháp hóa giải, hạn chế những biện pháp phòng vệ thương mại.
Ông Nam phân tích: mỗi thị trường sẽ có những quy định, văn hóa tiêu dùng khác nhau, gặp đối tác cạnh tranh khác nhau...
Để làm tốt đa dạng hóa thị trường, theo kinh nghiệm ngành thủy sản cần nâng cao năng lực của doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm, số lượng hàng hóa. Khi hội nhập, đa dạng hóa thị trường cần đầu tư về nguồn lực, đặc biệt là các hệ thống quản lý chất lượng khác nhau. Đây cũng là điều các doanh nghiệp phải lưu ý.
Ví dụ, muốn tập trung xuất khẩu vào thị trường Trung Đông, các quốc gia Hồi giáo cần có chứng nhận hoặc tìm hiểu quy cách đóng gói khác nhau cho hàng hóa.
“Như với mặt hàng cá tra, đối với thị trường châu Âu đa số sử dụng size cá khoảng 0.9kg/con, phải lóc da, thịt trắng. Tuy nhiên, tại thị trường Trung Đông lại sử dụng size cá lớn hơn, không cần lóc da”, ông Nam dẫn chứng.
Tạp chí Hải Quan
No comments:
Post a Comment