Trong 2 vụ thu hoạch cá gần đây, ngư dân nuôi các loài cá bán chợ liên tiếp được mùa, trúng giá. Các loại cá lóc, cá rô, cá sặc bổi, điêu hồng, mè vinh, giá từ 45.000 đồng/kg trở lên, người nuôi trúng đậm về sản lượng lẫn lợi nhuận.
Cung ít, cầu nhiều
Vụ nuôi năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Tâm (xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân) thả nuôi 2 bè cá điêu hồng. Đầu tháng 4/2023, thương lái đến thu mua với giá 45.000 đồng/kg, ông đã bán và thu về 2,25 tỷ đồng. Đây là mức thu cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
Bè của ông Tâm có kích thước ngang 6m, dài 12m, sâu 5m, bình quân mỗi vụ, sản lượng nuôi đạt từ 25-30 tấn cá. Ngư dân trúng mùa lẫn trúng giá bởi năm nay thời tiết ôn hòa, đầu năm khí trời se lạnh, cá nuôi ít hao hụt, sản lượng cuối vụ đạt mức cao. Hầu hết các chợ đầu mối, chợ xã sau khi dịch bệnh đều mở cửa trở lại, tiêu thụ lượng lớn cá nước ngọt.
Thương lái đang phân loại cá. |
Một số thương lái năng động, đầu tư xây dựng hệ thống đại lý ở các tỉnh ven biển, miền Trung, Tây Nguyên để đưa cá nước ngọt về đó tiêu thụ. Nhu cầu lớn, trong khi sản lượng nuôi không đáp ứng đủ. “Trong chu kỳ nuôi vừa rồi, tuy giá thức ăn tăng cao nhưng tỷ lệ hao hụt thấp, giá thành chỉ ở mức 36.000 đồng/kg, giá bán lên đến 45.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi lãi được 9.000 đồng/kg” - ông Tâm chia sẻ.
Toàn tỉnh An Giang hiện có 2.866 hộ nuôi cá chợ. Đối tượng nuôi chủ yếu là điêu hồng, mè vinh, cá chép, chim trắng, cá hú... Hình thức nuôi gồm bè và vèo với tổng số 8.682 cái. Tổng sản lượng thu hoạch hàng năm đạt 19.500 tấn. Nghề nuôi cá bè hiện đang tập trung chủ yếu ở các huyện: An Phú, Chợ Mới, Châu Thành, TX. Tân Châu, TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên.
Từ đầu năm 2022 đến nay, kinh tế toàn cầu suy thoái, tất cả các ngành hàng thuộc lĩnh vực sản xuất đều bị tác động mạnh, trong đó có nghề nuôi cá bè. Tác động bởi giá thức ăn, thuốc thú y thủy sản tăng cao, xăng dầu cũng tăng, từ đó kéo theo chi phí tăng lên đáng kể.
Đối với con cá tra, để nuôi 1 hầm cá có sản lượng 1.000 tấn, ngư dân phải đầu tư đến 2 tỷ đồng; còn đối với các mặt hàng cá chợ, để nuôi từ 25-30 tấn cá thương phẩm, ngư dân phải bỏ chi phí thấp nhất 300 triệu đồng, trong đó 75% là dùng để mua thức ăn, thuốc trị bệnh cho cá. Do mức đầu tư cao, không có nhiều ngư dân còn đủ vốn để phát triển nghề nuôi.
Thị trường mở rộng
“Thời điểm này, đối với các mặt hàng cá chợ, chỉ có đại lý bán thức ăn mới có đủ nguồn lực đầu tư cho ngư dân nuôi. Họ đưa thức ăn rồi lấy lại sản phẩm, hình thành một chuỗi liên kết, ở đó những người có đủ nguồn lực về vốn, kinh nghiệm, nhân lực mới có thể tham gia. Ngành nuôi cá bè bắt đầu một cuộc sàng lọc tự nhiên, ai có đủ điều kiện mới ở lại cuộc chơi” - bà Trần Thị Lệ Hoa (ngư dân xã Tân An, TX. Tân Châu) chia sẻ.
Nếu trước năm 2020, toàn tỉnh có trên 5.000 hộ nuôi cá bè thì nay chỉ còn 2.866 hộ. Sau dịch bệnh COVID-19, các thị trường tiêu thụ cá chợ đều ăn mạnh trở lại. Cá của ngư dân An Giang giờ đây không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn vươn xa, cung cấp cho các chợ đầu mối ở tỉnh Tiền Giang, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh: đặc biệt là các chợ oử khu vực có biển, như: Tỉnh Bình Định, Phú Yên, TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), TP. Đà Nẵng... do những nơi này luôn thừa cá biển, thiếu cá nước ngọt.
Ngoài thị trường trong nước, cá nuôi của ngư dân An Giang còn được đưa lên Campuchia rất nhiều. “Sản lượng khai thác cá tự nhiên khu vực Biển Hồ giảm mạnh, trong khi nhu cầu tiêu thụ lớn, thương lái nước này đã liên kết với chúng tôi, đưa cá nuôi vùng ĐBSCL sang tiêu thụ ở Campuchia ngày càng nhiều. Do vậy, lượng cung trong nước từ đầu năm đến nay thiếu hụt” - ông Nguyễn Văn Thi (thương lái mua cá ở xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân) phân tích.
Cung ít - cầu nhiều là một yếu tố quan trọng để duy trì và phát triển nghề nuôi cá nước ngọt. Với loại hình nuôi trong bè và vèo, sản lượng hàng năm ở mức 19.500 tấn/năm là rất nhỏ so với tiềm năng của An Giang. Câu chuyện ở đây là làm sao tiếp tục mở rộng thị trường, giúp ngư dân có nhiều thông tin để nhận biết được số lượng, chủng loại, thị trường nào cần bao nhiêu cá, loại gì…
Đồng thời, đẩy mạnh liên kết, đặt hàng sản xuất. Để làm được điều đó, ngoài vai trò của các cơ quan chức năng, tỉnh cần tạo điều kiện nhiều hơn nữa để phát huy vai trò của Hiệp hội Thủy sản An Giang, giúp ngư dân phát triển sản xuất ổn định.
“Trong hơn 1 tháng qua, cá nuôi của ngư dân ĐBSCL được xuất mạnh sang Campuchia, phục vụ người dân đón Tết Chol Chnam Thmay. Thời điểm này, ở Campuchia, cá trên đồng đang mang trứng, Chính phủ cấm người dân đánh bắt. Do vậy, chúng tôi phải tìm mua cá nuôi của Việt Nam mang qua phục vụ người dân” - ông Chau Sóc (thương lái Campuchia) chia sẻ.
No comments:
Post a Comment