Giá tôm nguyên liệu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện đã tăng 15 - 20% so với hồi tháng 10/2020. Các doanh nghiệp đang điều chỉnh giá thu mua để phục vụ nhu cầu xuất khẩu cuối năm.
Doanh nghiệp gặp khó vì giá tôm nguyên liệu tăng
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, xuất khẩu tôm đang làm điểm sáng khi tăng trưởng hai con số từ tháng 6 và tăng mạnh 25% trong tháng 9 và tháng 10. Tháng 11 tiếp tục tăng 28% khi đạt 395 triệu USD. Tính đến hết tháng 11/2020, xuất khẩu tôm đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2019. Với mức duy trì tốt như hiện nay, xuất khẩu tôm năm 2020 dự kiến đạt 3,78 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm 2019. Đặc biệt xuất khẩu tôm đang có nhiều cơ hội tăng thị phần tại hầu hết các thị trường khi nguồn cung tôm của nhiều quốc gia trên thế giới đang bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19.
Mặc dù khó khăn, song xuất khẩu tôm năm 2020 vẫn tăng trưởng tốt so với năm 2019. |
Mặc dù xuất khẩu tôm đang thuận lợi song nhiều doanh nghiệp cho biết: từ quý IV/2020, nguồn cung tôm trong nước bắt đầu giảm mạnh, giá tôm tăng khiến doanh nghiệp gặp khó. Ghi nhận tại các địa phương như Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... cho thấy, giá tôm thẻ chân trắng size 20 con hiện ở mức 198.000 đồng/kg, size 30 con 150.000 đồng/kg, tăng từ 10.000 - 15.000 đồng/kg so với tháng trước.
Ông Diệp Thành Thái - Đại diện công ty TNHH Thủy Sản Anh Khoa (Cà Mau) - cho biết, tại Cà Mau, hiện giá tôm nguyên liệu đã tăng hơn 20% so với hồi tháng 11. Giá tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp phải hoàn trả hợp đồng đã ký. Hiện công ty đã phải giảm công suất nhà máy do lượng tôm nguyên liệu thu mua phục vụ chế biến đã giảm 50%. “Giá tôm nguyên liệu cuối năm tăng cao trong khi hợp đồng đã ký với đối tác từ trước, cộng thêm cước phí tăng trong khi giá bán không thể thay đổi khiến doanh nghiệp lao đao”, ông Thái lo lắng.
Ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood) - cho biết, năm nay nhiều doanh nghiệp muốn đẩy tốc độ tăng trưởng cả năm nên đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian vừa qua. Việc xuất khẩu tôm “được mùa” cũng khiến cho nguồn tôm dự trữ của các doanh nghiệp giảm mạnh, không thể bù đắp kịp do mùa vụ tôm cũng sắp kết thúc. Sự cộng hưởng giữa tôm dự trữ thấp với nguồn cung hạn chế, trong khi nhu cầu lại cao chính là hệ quả làm nên giá tôm tăng mạnh.
“Hiện giá tôm đã tăng ở mức 2 con số so với hồi tháng 10. Với mức giá nguyên liệu tăng cao như hiện nay, những doanh nghiệp không có hàng dự trữ để cung ứng theo hợp đồng sẽ rất khó khăn”, ông Võ Văn Phục nhấn mạnh.
Giá tôm sẽ tiếp tục tăng cao tới năm 2021
Theo ông Võ Văn Phục, thông thường khi giá tôm tăng mạnh vào dịp cuối năm người dân sẽ thả nuôi nhiều hơn. Tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đến cuối tháng 10/2020 giá tôm vẫn còn ở mức thấp khiến người dân hạn chế thả mới. Do đó, thời điểm đầu năm 2021, nguồn cung tôm nguyên liệu vẫn sẽ còn thiếu hụt, giá tôm sẽ tiếp tục tăng nếu thị trường tiêu thụ không có nhiều biến động bất lợi.
Dự báo về tình hình xuất khẩu tôm năm 2021, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu tôm sẽ có mức tăng trưởng mạnh nhất khi tăng 15%, đạt 4,4 tỷ USD. Sự ra đời của vaccine cùng với lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang được doanh nghiệp tận dụng tương đối tốt, sẽ là động lực cho hoạt động xuất khẩu tôm năm 2021. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ tôm không vì thế mà tăng mạnh ngay lập tức, mà sẽ tăng từ từ cho đến cuối quý I/2021 khi tiêu thụ tôm tại kênh nhà hàng, khách sạn sẽ bùng nổ trở lại vì người dân không còn lo ngại chuyện dịch bệnh.
Đồng quan điểm, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta - khẳng định, mục tiêu xuất khẩu năm 2021 sẽ đạt được bởi năm 2020 con tôm đã đạt được thành quả tốt nhờ thực hiện tốt khâu nuôi trồng, sản xuất chế biến đảm bảo chất lượng.
Hà Duyên (Báo Công Thương)