Thị trường hàng đặc sản ngày Tết ở Sài Gòn: Tình trạng nhiều cửa hàng ế ẩm, thưa thớt người mua đối ngược hẳn với giá bán của các mặt hàng, khi giá bán đều đồng loạt tăng từ 5 - 15% so với năm trước.
Các cửa hàng vẫn vắng khách, giá sản phẩm tăng cao
Vào thời điểm này năm trước, các cửa hàng bán các đặc sản vùng miền đang bán tại Sài Gòn đã tấp nập khách mua bán thì năm nay tình hình mua sắm đang đối ngược lại. Nhiều cửa hàng rơi vào tình trạng ế ẩm, thưa vắng. Trong khi đó, giá bán các mặt hàng đặc sản vẫn có chiều hướng tăng từ 5 - 15% so với năm trước.
Anh HM (có cửa hàng bán đặc sản vùng miền) nằm trên đường Cách mạng tháng 8, quận 10 thừa nhận tới thời điểm này quán vẫn rất vắng khách.
Nếu so sánh với thời điểm buôn bán vào năm ngoái thì xìu hơn rất nhiều. Nếu như năm ngoái, quán cần phải thuê gấp tới 2-3 nhân viên chạy việc đóng hàng, bán và sắp xếp thì năm nay chỉ cần 1 nhân viên. Chưa kể, bán cũng cầm chừng, nhẹ nhàng vì khách tới mua số lượng không nhiều.
"Hàng đặc sản năm nay cũng không có sản phẩm gì mới, không phong phú như năm ngoái. Các sản phẩm mà cửa hàng tôi bán có thể kể tới như khô nhái, cá tra sông, khô trâu, khô bò của An Giang, tôm khô đất, khô cá kèo, cá sặc rằn của Cà Mau… Mọi năm vào thời cao điểm, doanh thu có thể từ 50 - 70 triệu đồng. Nhưng năm nay chỉ bán được vài triệu đồng", anh HM chia sẻ.
Vì tình trạng buôn bán thưa thớt nên anh HM cũng không dám chuẩn bị nhiều hàng trữ như năm ngoái bởi lo lắng cho tình hình tồn kho, không bán hết gây thua lỗ. Nếu như các năm trước thời điểm hiện tại khách đã đặt trước số lượng lớn để biếu làm quà thì năm nay sức mua không có. Nếu cứ liều nhập hàng trước sẽ bị chôn vốn. Chưa kể, các mặt hàng thực phẩm đặc sản bán tại cửa hàng cũng đã giảm mạnh nếu so sánh với các năm.
Cũng giống với trường hợp của anh HM, chị PL đang mở một tiệm đặc sản miền Bắc ở quận 1 cũng lao đao xoay xở tìm cách bán được nhiều hàng hơn. Nếu những năm trước, các loại đặc sản miền Bắc được chế biến thủ công, có tiếng như mứt hồng, mứt dừa, kẹo hạt bí, chả tôm, chả cua đông lạnh hay giò thủ, giò bê… được người dân tìm mua và săn lùng thì năm ngay lại ngược lại. Người tiêu dùng khá thờ ơ.
Chị PL so sánh, năm ngoái lượng người mua chị ước lượng tới sát Tết khoảng 1,5 tấn thì năm nay cửa hàng chỉ nhập cầm chừng, tức là bán đến đâu mới nhập đến đó. Bởi lẽ, sức mua giảm và mặt hàng chế biến lại tăng giá vì nguồn cung nên người bán vô cùng khó.
"Măng miếng và hàng nông sản đều tăng giá, thịt heo cũng vừa tăng giá. Giờ giò ngon giã tay 350.000 đồng/kg, giò bê 400.000 đồng/kg tết này lên 420.000 đồng/kg cùng cước vận chuyển tăng. Năm nay cá cũng tăng giá, cá chép kho nồi lớn (làng Vũ Đại) cũng phải 1,5 triệu đồng/nồi, trong khi năm ngoái giá 1,3-1,4 triệu đồng/nồi thôi", chị PL cho biết.
Vì giá hàng đặc sản tăng nên nhiều người tiêu dùng cũng rất cân nhắc khi mua hàng. Như chị Hoàng Khánh cho biết năm nay chị đã tham khảo trên mạng giá các loại đặc sản để tìm xem có sản phẩm nào mới mẻ để mua về cho Tết hay không. Thế nhưng nhìn chung không có nhiều hàng hóa phong phú như những năm trước và giá bán cũng cao hơn một chút.
“Gia đình thu nhập giảm nên tôi cũng cân nhắc khi mua những mặt hàng đặc sản có giá cao. Hàng đặc sản trên mạng tôi cũng đã xem, nhưng sợ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên tôi chỉ đi tìm những cửa hàng mà mình đã từng mua. Tuy nhiên các sản phẩm năm nay không có gì mới nên tôi cũng đang cân nhắc thêm”, chị Hoàng Khánh cho biết.
Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, giá các mặt hàng đặc sản lại cao, khách mua giảm nhiều nên nhiều chủ cửa hàng cho biết sẽ rất khó có được doanh thu tốt trong dịp cuối năm này.