Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 1/2021, xuất khẩu thủy sản đạt 606 triệu USD, tăng 23/4% so với cùng kỳ năm 2020. Sang tháng 2, do kỳ nghỉ tết dài ngày, xuất khẩu thủy sản ước đạt 405 triệu USD, giảm khoảng 19% so với cùng kỳ. Tính chung trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản ước đạt trên 1 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ 2020.
Xuất khẩu thủy sản đầu năm nay đã ghi nhận những tín hiệu tích cực với nhiều sản phẩm chủ lực như cá tra, các loại cá biển (trừ cá ngừ),
tôm thẻ chân trắng…
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm 2020 là một năm ảm đạm của ngành hàng cá tra khi xuất khẩu liên tục sụt giảm và giá trị xuất khẩu cả năm chỉ đạt 1,49 tỷ USD, giảm 25,5% so với năm 2019.
Sang tháng 1/2021,
xuất khẩu cá tra đã tăng trưởng dương trở lại với mức tăng khá cao. Theo VASEP, tổng
giá trị xuất khẩu cá tra trong tháng đầu năm đạt 123,5 triệu USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu cá tra sang hầu hết các thị trường lớn đều tăng trưởng dương.
Trong đó, Mỹ là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam trong tháng 1 với giá trị hơn 27 triệu USD, tăng tới 51%. Tiếp theo là các nước CPTPP với hơn 24 triệu USD, tăng 38% (trong đó, trong đó sang Mexico tăng 73%, sang Australia tăng 45%, sang Canada tăng 42%). Trung Quốc – Hongkong đứng thứ 3 với hơn 11 triệu USD …
Ngoài Mỹ và các nước CPTPP, xuất khẩu cá tra sang nhiều thị trường khác cũng tăng mạnh trong tháng 1, trong đó, xuất khẩu sang Brazil, Colombia, Anh và Nga tăng từ 37-129%.
Sang tháng 2, do có kỳ nghỉ Tết dài ngày, xuất khẩu cá tra sụt giảm so với cùng kỳ 2020. Cộng cả 2 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu cá tra ước đạt 214 triệu USD, tăng 1,7% so với 2 tháng đầu năm 2020.
Xuất khẩu tôm trong 2 tháng đầu năm ước đạt 380 triệu USD, giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm giảm nhẹ chủ yếu là do
giá trị xuất khẩu tôm sú giảm tới 48% vì giá cao (không phù hợp với thị trường thời dịch bệnh Covid-19) và do sự kiểm soát chặt hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu để phòng chống dịch bệnh ở thị trường Trung Quốc.
Dầu vậy, xuất khẩu tôm nói chung vẫn có nhiều tín hiệu khả quan, khi giá trị xuất khẩu tôm thẻ chân trắng vẫn tăng trưởng (tăng khoảng 14%) và loại tôm này tiếp tục chiếm vị trí chủ chốt trong xuất khẩu tôm khi chiếm tới 80% tổng giá trị xuất khẩu.
Xuất khẩu các mặt hàng hải sản trong 2 tháng đầu năm ước đạt gần 420 triệu USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng cá biển đang tăng trưởng tốt, với mức tăng ước đạt 15%. Xuất khẩu mực, bạch tuộc cũng tăng nhẹ khoảng 0,8% …
Theo nhận định của VASEP, trong năm 2021, thương mại thủy sản trên toàn cầu vẫn chịu tác động lớn bởi đại dịch Covid-19. Đây vẫn là yếu tố chính chi phối xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Do ảnh hưởng của đại dịch, nhu cầu thủy sản trong năm nay vẫn nghiêng về các sản phẩm có giá vừa phải, dễ chế biến, có thời hạn bảo quản lâu, phù hợp với chế biến và tiêu thụ tại nhà như: tôm chân trắng cỡ nhỏ đông lạnh, tôm chân trắng chế biến, chả cá, surimi, cá biển phile, cắt khúc, cá cơm khô, mực khô…
Đầu năm nay, nhiều mặt hàng thủy sản Việt Nam đang có nhu cầu tiêu thụ cao trong bối cảnh dịch bệnh như: cá tra nguyên con/cắt khúc/xẻ bướm đông lạnh; mực khô; cá khô các loại; thịt ghẹ thanh trùng; thịt cua đóng lon; cá tra phile đông lạnh; tôm chân trắng chế biến; tôm chân trắng tươi/đông lạnh bỏ đầu, block; tôm chân trắng lột vỏ, bỏ đầu …
Điều đáng mừng là trong bối cảnh dịch bệnh, Việt Nam vẫn có thể duy trì thế mạnh cạnh tranh về nguồn cung nguyên liệu so với các nước khác do sản xuất vẫn ổn định. Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, UKVFTA … sẽ tiếp tục là đòn bẩy cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam hồi phục hoặc tiếp tục tăng trưởng ở một số thị trường quan trọng. Bên cạnh đó, sau một năm đối mặt với thị trường biến động do dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã có thêm kinh nghiệm và sự linh hoạt thích ứng với biến động và thay đổi nhu cầu, thị hiếu của thị trường.
Trên cơ sở xuất khẩu những tháng đầu năm và các yếu tố nói trên, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2021 sẽ có kết quả khả quan, ước đạt 8,8 tỷ USD, tăng gần 5% so với năm 2020.