Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kiên Giang, năm 2021, tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ theo hướng sản xuất an toàn, bền vững và hiệu quả.
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển nuôi tôm nước lợ với các loại hình nuôi phù hợp từng vùng sinh thái để đạt năng suất, sản lượng, chất lượng cao nhất, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại. Đồng thời, ưu tiên nuôi tôm thâm canh công nghệ cao ở những nơi đủ điều kiện hạ tầng và khả năng đầu tư, chú trọng vùng Tứ giác Long Xuyên. Tỉnh cũng đẩy mạnh rà soát, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển các mô hình như: Tôm - lúa, nuôi tôm càng xanh xen tôm sú và tôm – cua kết hợp.
Nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao ở xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao (Kiên Giang). |
Trong năm 2021, dự báo nuôi tôm nước lợ sẽ đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như: Thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ, độ mặn và các yếu tố môi trường biến động bất lợi, ảnh hưởng lớn đến tôm nuôi. Bên cạnh đó, tác động của dịch COVID-19 làm gia tăng khó khăn cho sản xuất nuôi tôm nước lợ và hoạt động kinh doanh, chế biến xuất khẩu sản phẩm hàng hóa này. Vì vậy, kế hoạch năm nay, tỉnh triển khai thực hiện nuôi tôm nước lợ theo hướng an toàn, bền vững, hiệu quả.
Hiện nay, tỉnh Kiên Giang đã thả tôm giống nuôi hơn 69.700 ha, sản lượng thu hoạch trên 12.385 tấn. Đến cuối năm 2021, tỉnh có kế hoạch thả nuôi tôm nước lợ 136.000 ha, phấn đấu đạt sản lượng 98.000 tấn, với 3 loại hình nuôi chủ yếu gồm: Nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp 4.000 ha, tôm - lúa 104.500 ha, quảng canh cải tiến 27.500 ha. Trong đó, Kiên Giang tập trung phát triển, mở rộng diện tích tôm – lúa ở các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Gò Quao, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành… Cùng đó, đầu tư phát triển theo chiều sâu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng, tạo sản phẩm đảm bảo chất lượng. Ngành Thủy sản Kiên Giang đã xây dựng khung lịch thời vụ thích hợp với từng vùng, tiểu vùng trên địa bàn tỉnh và phối hợp với các địa phương khuyến cáo nông dân thả giống tôm theo lịch thời vụ, kiểm soát chặt chẽ vấn đề này nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra do môi trường, dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực thủy sản, tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, con giống trên địa bàn, nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất phục vụ nuôi tôm. Cùng với việc tập trung tháo gỡ, giải quyết những khó khăn vướng mắc để hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ nuôi đẩy mạnh phát triển nuôi tôm công nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên, Kiên Giang tiếp tục rà soát, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển các mô hình như: tôm – lúa, nuôi tôm càng xanh xen tôm sú và tôm – cua kết hợp. Cùng với đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn nông dân kỹ thuật cải tạo ao đầm nuôi, lựa chọn tôm giống chất lượng ương dưỡng trước khi thả nuôi. Trung tâm hướng dẫn, khuyến cáo người nuôi tôm áp dụng các giải pháp kỹ thuật giảm thiểu tác động bất lợi của thời tiết đến nuôi tôm như: Trữ nước ngọt để điều tiết độ mặn trong điều kiện nắng nóng kéo dài, nước mặn xâm nhập, kiểm soát các yếu tố môi trường trong ao đầm nuôi, duy trì mực nước ao nuôi thích hợp…
Đặc biệt, Trung tâm chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng mô hình nuôi tôm 2 hoặc 3 giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi công nghệ cao và các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giúp người nuôi tôm, doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao, giảm rủi ro, thiệt hại.
Năm 2020, diện tích nuôi tôm nước lợ của Kiên Giang là 134.235 ha, đạt 102,7% kế hoạch, sản lượng thu hoạch 92.490 tấn, đạt 108,8% kế hoạch, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2019. Các loại hình nuôi gồm: nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp, tôm – lúa luân canh, quảng canh cải tiến, nuôi tôm càng xanh xen trong các mô hình. Cũng trong năm 2020, tổng diện tích nuôi tôm bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh hơn 10.185 ha, các diện tích tôm nuôi bị thiệt hại đã được khắc phục kịp thời nên không xảy ra dịch bệnh trên diện rộng. Có nhiều nguyên nhân gây thiệt hại tôm nuôi, nhưng chủ yếu do điều kiện thời tiết, môi trường bất lợi, nuôi tôm không theo thời vụ khuyến cáo, thả nuôi quanh năm làm tích tụ mầm bệnh, chất lượng tôm giống chưa đảm bảo, kỹ thuật nuôi còn hạn chế, công trình ao nuôi chưa hợp lý… Ngoài ra, hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm chưa đáp ứng nhu cầu so với tốc độ phát triển nuôi thâm canh và mở rộng diện tích sản xuất. Ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân chưa cao nên tình hình dịch bệnh vẫn còn xảy ra gây hại tôm nuôi.
Trần Hà