Ngày xưa đi xem hát, loại vé cao nhất ngồi sát sân khấu gọi là "vé thượng hạng", và loại vé bét nhất không có ghế ngồi mà đứng cuối rạp ngóng cổ nhìn lên sân khấu gọi là "vé hạng cá kèo", chỉ những người nghèo mới đi xem hát bằng loại "vé” này.
Thật ra cũng chẳng có vé, mà người xem chỉ cần nhét cho anh soát vé một ít tiền rồi đi thẳng đến hàng ghế cuối cùng... tìm một chỗ đứng để xem. Điều này nói lên nghĩa đen lẫn nghĩa bóng về "con cá kèo".
Thứ nhất, con cá kèo khi không ở trong hang mà trôi nổi theo dòng nước thường lội đứng, cả thân hình nhỏ bé, xấu xí chìm trong nước, chỉ có cái đầu là lú lên khỏi mặt nước giống y như người xem hát "hạng cá kèo".
Thứ hai, cá kèo là loại cá mạt hạng mà ngay như người ở thôn quê chỉ khi "cực ăn" mới xách giỏ lội ruộng tìm bắt vài con về kho khô ăn qua bữa. Ngày xưa cá kèo nhiều quá chỉ dùng để phơi khô làm phân bón dưa hấu, bầu, bí. Phân khô cá kèo bón dưa hấu, bầu, bí... thì tốt cực kỳ.
Bắt cá kèo có nhiều cách, lội ruộng tìm hang để bắt, đi soi ban đêm, ngày nắng ráo giựt vòng gọi là "vòng cá kèo", đặt nò khi tới con nước rong... Bắt cá kèo ở hang là cách bắt truyền thống, bởi cá kèo là loại cá ở hang trên mặt ruộng bùn, rồi tùy theo mùa mới chạy theo con nước ra kênh, rạch.